5
Cuộc thi được phát động từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 và kéo dài đến hết ngày 30 tháng 4 năm 2012. Ban tổ chức đã nhận được 21 ca khúc dự thi của 18 tác giả ở hai thể loại ca khúc và hợp xướng. Hầu hết là những bài ca chan chứa, trữ tình, xây dựng từ chất liệu âm nhạc truyền thống nhằm nêu bật tình cảm của Bác đối với quê hương Thừa Thiên Huế và tình cảm của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Bác Hồ, về những tâm nguyện của Người về độc lập dân tộc, Chủ nghĩa xã hội, về đoàn kết quốc tế, gìn giữ hòa bình…
Về dự lễ sơ kết có đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Ông Phan Công Tuyên, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Lê Ngọc Tình, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, cùng đại diện Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy… Bí thư các chi bộ, các Đảng ủy viên, đảng viên, cán bộ, viên chức, sinh viên, học sinh Học viện Âm nhạc Huế.
Trong bài phát biểu, Ông Phan Công Tuyên đánh giá cao việc thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Đảng Bộ Học viện Âm nhạc Huế, ý tưởng hình thành và tổ chức cuộc thi sáng tác đề tài “Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ”, với mong muốn cuộc thi sẽ được nhân rộng ra ngoài phạm vi Học viện Âm nhạc. Các nhạc sĩ Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, các hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam tại Huế cùng hưởng ứng, tham gia và đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị.
Thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Thân Trọng Bình có bài báo cáo Sơ kết cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ”. Trong phần nhận xét, Ban tổ chức nêu cao sự tập trung của các tác phẩm phản ảnh nhiều góc cạnh tâm tư, tình cảm khát vọng cống hiến của Bác Hồ với “cả cuộc đời vì nước vì non”, với nhân dân cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế, những tình cảm thiêng liêng của người dân đối với Bác Hồ, tình cảm tuổi thơ, thời trai trẻ của Bác ở Huế trên con đường cách mạng đi tìm đường cứu nước của Người.
Mặc dù chưa có những ca khúc thật sự hoành tráng, chan chứa trữ tình nổi bật, một vài hạn chế ở một số ca khúc, nhưng cuộc thi đã được dư luận đánh giá rất cao và là một việc làm có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện này và là món quà ý nghĩa kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 122 của Người.
Các tác phẩm đoạt giải:
2 Giải nhì: Tình Bác gửi Huế – Trầm Tích
Lời ru tuổi thơ – Hoàng Chiến
2 Giải ba: Nhớ câu ví sông Lam – Đức Thanh
Trường xưa in dấu chân Người – Duy Dũng
3 Giải khuyến khích: Dương Nỗ quê mẹ – Lê Hồng Lĩnh
Người thành Huế nhớ Bác – Trầm Tích
Dòng sông nhớ Bác – Hồ Đức
Hoàng Chính
BÁO CÁO SƠ KẾT CUỘC THI SÁNG TÁC CA KHÚC
VỀ ĐỀ TÀI “BÁC HỒ VỚI HUẾ – HUẾ VỚI BÁC HỒ”
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Kế hoạch số 13-KH/TU ngày 01/9/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW. Căn cứ Nghị quyết tháng 12/2011 và nhiệm vụ công tác 06 tháng đầu năm 2012 của Đảng bộ Học viện Âm nhạc Huế về việc gắn mọi hoạt động, công tác của Cấp ủy Đảng cơ sở, các tổ chức chính quyền và đoàn thể với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ngày 01/1/2012, Đảng ủy Học viện Âm nhạc Huế đã triển khai kế hoạch phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế và Huế với Bác Hồ” năm 2012 như sau:
1. Về cơ sở để phát động cuộc thi:
– Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một Cuộc vận động lớn (Chỉ thị số 06-CT/BCT) có ảnh hưởng sâu rộng và mang ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 03-CT/BCT), một lần nữa khẳng định chân lý hùng hồn rằng: đạo đức Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh còn sống mãi và tỏa sáng muôn đời các thế hệ Việt Nam.
– Huế là Quê hương thứ hai của Bác Hồ, nơi từng khắc ghi dấu ấn lịch sử trên con đường cách mạng đi tìm đường cứu nước của người.
– Học viện Âm nhạc Huế là một cơ sở đào tạo âm nhạc quốc gia tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng lời ca, tiếng hát để ca ngợi công ơn trời biển của người, là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa hết sức to lớn trong giai đoạn hiện nay.
– Với những cơ sở đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế chủ trương phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế và Huế với Bác Hồ” năm 2012, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 03-CT/BCT.
2. Về nội dung đề tài:
– Ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế và Huế với bác Hồ” phải là những bài ca hoành tráng, chan chứa, trữ tình, mang âm hưởng âm nhạc truyền thống Huế và âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhằm nêu bật tình cảm của Bác đối với quê hương Thừa Thiên Huế và tình cảm của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Bác Hồ, đặc biệt là những tâm nguyện, mong muốn của người về độc lập dân tộc và Chủ Nghĩa Xã Hội, về đoàn kết quốc tế và gìn giữ hòa bình, nhất là mong muốn của Bác Hồ về vai trò, vị trí của thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường làm chủ tương lai và vận mệnh của đất nước.
3. Về đối tượng dự thi:
Đối tượng dự thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế và Huế với Bác Hồ” là toàn thể cán bộ, đảng viên, giảng viên và sinh viên, học sinh đang công tác, giảng dạy, và học tập tại Học viện Âm nhạc Huế.
Mỗi tác giả có thể gửi tối đa là 02 ca khúc để dự thi.
4. Về cơ cấu giải thưởng:
– Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật chấm sơ khảo tuyển chọn 10 ca khúc xuất sắc nhất vào vòng chung khảo để dàn dựng, biểu diễn báo cáo, với cơ cấu giải thưởng như sau:
+ 01 giải nhất, trị giá: 3.000.000đ/bài.
+ 02 giải nhì, trị giá: 1.500.000đ/bài.
+ 02 giải ba, trị giá: 1.000.000đ/bài.
+ 05 giải khuyến khích, trị giá: 500.000đ/bài.
(Kèm theo Bằng Chứng nhận giải thưởng).
5. Về kế hoạch thời gian:
– Từ ngày 01/1/2012 Phát động cuộc thi và thông báo thể lệ dự thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ”.
– Hạn cuối nhận bài dự thi đến hết ngày 30/4/2012.
– Từ ngày 01 – 03/5/2012, Thành viên của Hội đồng thẩm định Nghệ thuật sẽ chấm sơ khảo để chọn ra 10 bài xuất sắc nhất.
– Từ ngày 04 – 13/5/2012, triển khai dàn dựng 10 bài hát xuất sắc nhất.
– Từ 14 – 16/5/2012 Hội đồng thẩm định Nghệ thuật chấm chung khảo để bình xét giải thưởng.
– Ngày 19/5/2012, sơ kết cuộc thi, trao giải thưởng và Biểu diễn báo cáo tại Nhà Đa chức năng của Học viện Âm nhạc Huế.
6. Kết quả cuộc thi:
Sau 4 tháng phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế – Huế với bác Hồ” (01/1 – 30/4/2012), với nhiệt huyết của bản thân, với tình yêu vô bờ bến và niềm khát khao sáng tạo nghệ thuật về đề tài Bác Hồ của các tác giả, Ban tổ chức đã nhận được 21 ca khúc dự thi của 18 tác giả, có tác giả đã gửi tới 4 bài (dù vi phạm thể lệ nhưng đáng được biểu dương) tuy số lượng ca khúc và số tác giả tham gia chưa nhiều, nhưng bước đầu đánh dấu một hình thức hoạt động mới về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Và ngày hôm nay, lễ sơ kết, trao giải thưởng và biểu diễn báo cáo những tác phẩm đoạt giải cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ” lại đúng vào dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy nên, ý nghĩa và giá trị nhân văn, tư tưởng của cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế – Huế với bác Hồ” rồi sẽ ngời sáng hơn trong chương trình biểu diễn hôm nay.
Nếu để đánh giá, nhận xét, phân định thứ vị cao thấp của 21 tác phẩm của cuộc thi sáng tác ca khúc này, chúng tôi e rằng khó có một bảng “tổng sắp” đủ sức thuyết phục, vì rằng, tác phẩm nghệ thuật không cho phép có cái nhìn phiến diện của một bộ phận, một nhóm người mà nó phải được trải nghiệm qua thời gian và thông qua sự cảm nhận, hưởng ứng của công chúng để tồn tại.
Vì vậy, việc Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật chấm tuyển và bình xét, trao giải thưởng cho các ca khúc và tác giả của cuộc thi chỉ là việc làm tương đối, có tính tượng trưng, đặc biệt là việc tham gia cuộc thi này mang ý nghĩa nhân văn, tư tưởng cao đẹp, vô giá hơn tất thảy mọi giá trị giải thưởng sẽ được công bố hôm nay.
Về nhận xét chung:
Nhìn chung, các ca khúc được giới thiệu trong tập ca khúc “Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ” 2012 và các ca khúc tuyển chọn biểu diễn báo cáo hôm nay đã phản ảnh nhiều góc cạnh của tâm tư, tình cảm, khát vọng cống hiến của Bác Hồ với “cả cuộc đời vì nước vì non”, với nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng như các ca khúc Nhìn ảnh Bác thổi Khèn của Việt Đức, Suối nguồn của Vĩnh Phúc (thơ Định Hải), Tình Bác gửi Huế của Trầm Tích Dương Nỗ quê mẹ của Lê Hồng Lĩnh, Bác Hồ với Huế sắt son của Hoàng Phương. Đồng thời, từ góc nhìn của người trong cuộc, các ca khúc dự thi phần lớn đã nêu bật được tình cảm thiêng liêng của nhân dân với Bác Hồ, kiên gan, bền chí kế thừa và tiếp bước chặng đường độc lập dân tộc và CNXH, đoàn kết quốc tế và gìn giữ hòa bình theo tư tưởng của Hồ Chí Minh như Hợp xướng 4 bè Người không mang huân chương của Trầm Tich (thơ Thành Trung), Theo Lời Bác gọi của Nguyễn Văn Phúc, Sống mãi trong tim của Hoàng Anh Dũng, Dòng sông nhớ Bác của Hồ Đức. Và có lẽ khi nói về tình cảm của Huế với Bác Hồ, khá nhiều ca khúc dự thi xoay quanh chủ đề tuổi thơ và thời trai trẻ của Bác Hồ ở Huế và đó cũng chính là khúc khởi đầu quan trọng nhất trên con đường cách mạng đi tìm đường cứu nước của Người như, đó là các ca khúc Theo bước chân người của Ngô Việt, Về Dương Nỗ nghe kể chuyện Bác Hồ của Thanh Sơn, Trường xưa in dấu chân Người của Duy Dũng (thơ Trương Kiến Giang), Dòng Hương nhớ Bác của Lê Bình, Dương Nỗ – Thời ấu thơ của Người của Nguyễn Thành, Người Thành Huế nhớ Bác của Trầm Tich… Dù ở góc nhìn nào, phong thái biểu hiện của ca sĩ, cách thức phối âm, phối khí hay giai điệu, ca từ thì các ca khúc dự thi đều toát lên hơi ấm nồng chan chứa tình người của vùng dân ca xứ Nghệ và những điệu hò, câu lý ngọt ngào, mát rượi của xứ Huế 10 thương, điển hình như các ca khúc Nhớ câu Ví sông Lam của Đức Thanh, Lời ru tuổi thơ của Hoàng Chiến, Yêu đất nước từ những khúc dân ca của Việt Đức, Nhớ Bác qua câu hò của Bảo Thăng…
Một vài hạn chế của một số ca khúc trong tập bài hát này cũng cần được nêu ra để rút kinh nghiệm, ví dụ một số bài nội dung chưa thống nhất với đề tài của cuộc thi, giai điệu cũ mòn, ca từ rời rạc, tản mạn, chưa bám sát nội dung đề tài và chất liệu âm nhạc truyền thống Huế và Việt nam để biểu hiện hình tượng Bác Hồ với Huế và Huế với Bác Hồ, quá ít những ca khúc mang tính hoành tráng, ngợi ca, chính luận ca như thời kỳ trước đây.
Tuy nhiên, như chúng ta từng được biết, trong lịch sử nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đã có khá nhiều và rất nhiều ca khúc khá hay và rất hay về đề tài Bác Hồ như Lãnh tụ ca, Người là niềm tin tất thắng, Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người, Bác Hồ một tình yêu bao la, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Những bông hoa trong vườn, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Lại nữa, kế hoạch phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ gần như mới chỉ bắt đầu (trong thời gian 4 tháng), Vì vậy, một số hạn chế nhất định về chất lượng nghệ thuật trong đợt sơ kết này chắc chắn sẽ được các tác giả đầu tư, hoàn thiện hơn với những sáng tác mới trong đợt tổng kết cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 02/9/2012, nhằm ngày Quốc khánh nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam.
Về giải thưởng:
Có 10 ca khúc xuất sắc đã được Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật tuyển chọn vào vòng chung khảo để bình xét trao giải và biểu diễn báo cáo. Tuy nhiên, trong đó có 3 ca khúc của 2 tác giả tham dự hưởng ứng cuộc thi chứ không dự giải thưởng, đó là các ca khúc Yêu đất nước từ những khúc hát dân ca và ca khúc Nhìn ảnh Bác thổi Khèn của tác giả Việt Đức (Quyền Bí thư Đảng ủy, Phó GĐ Phụ trách Học viện) và ca khúc Suối nguồn của tác giả Vĩnh Phúc (Đảng ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc).
Vì vậy, Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật chỉ bình xét và trao giải cho 7 ca khúc còn lại, đó là các ca khúc Tình Bác gửi Huế của Trầm Tích, Dương Nỗ quê mẹ của Lê Hồng Lĩnh, Dòng sông nhớ Bác của Hồ Đức, Lời ru tuổi thơ của Hoàng Chiến, Nhớ câu Ví sông Lam của Đức Thanh, Trường xưa in dấu chân Người của Duy Dũng (thơ Trương Kiến Giang) và Người Thành Huế nhớ Bác của Trầm Tich:…
Hội đồng Thẩm định công bố 7 giải thưởng như sau:
Có 3 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 700.000đ, gồm các ca khúc Dương Nỗ quê mẹ của Lê Hồng Lĩnh, Người Thành Huế nhớ Bác của Trầm Tich và Dòng sông nhớ Bác của Hồ Đức.
Có 2 giải ba, mỗi giải trị giá 1.500.000đ, gồm các ca khúc Nhớ câu Ví sông Lam của Đức Thanh và Trường xưa in dấu chân Người của Duy Dũng (thơ Trương Kiến Giang).
Và có 2 giải nhì (không có giải nhất), mỗi giải trị giá 2.500.000đ, thuộc về các ca khúc Tình Bác gửi Huế của Trầm Tích và Lời ru tuổi thơ của Hoàng Chiến.
Ban giúp việc về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng ủy và Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ” của Học viện Âm nhạc Huế chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Học viện, các tác giả đã tích cực tham dự và đoạt giải thưởng cuộc thi, các nhạc sĩ phối khí và các ca sĩ thể hiện cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, giảng viên và SVHS đã tích cực hưởng ứng tham gia và cổ động cho cuộc thi. Và chúng tôi hy vọng rằng: Lễ sơ kết, trao giải thưởng và biểu diễn báo cáo tác phẩm đoạt giải đợt I/2012 của cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài Bác Hồ cùng với việc phát hành tập bài hát “Bác Hồ với Huế – Huế với Bác Hồ”, sẽ là một việc làm có ý nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay, và đây cũng sẽ là một món quà có nghĩa nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin trân trọng cảm ơn.
HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH NGHỆ THUẬT