Ns. Trầm Tích
Học viện Âm Nhạc Huế
Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng: Ca khúc sáng tác về Hà Nội – Huế – TP Hồ Chí Minh và các Tỉnh Thành bạn (xin gọi tắt là “Ca khúc quê hương”) của các nhạc sỹ trẻ trong giai đoạn hiện nay rõ ràng là ca khúc có mới thì chưa hay, còn ca khúc có hay thì chưa mới. Thử hỏi do đâu? Theo suy nghĩ chủ quan dưới góc độ là một nhạc sỹ sáng tác trẻ và cũng là người trong cuộc, tôi nghĩ do những nguyên nhân chính sau:
Giai đoạn hiện nay, nhạc sỹ trẻ đa phần chuyên tâm vào sáng tác ca khúc phổ thông để tác phẩm dễ dàng được phổ biến. Tác phẩm được phổ biến nhiều thì số lượng công chúng biết đến tác giả càng nhiều. Lẽ tất nhiên, nhạc sỹ trẻ dễ “có tiếng” hơn nên họ ít chuyên tâm thời gian, công sức cho công việc sáng tác ca khúc quê hương.
So sánh với các thể loại ca khúc khác, ca khúc quê hương khó đạt “Hit” hơn. Nhất là so sánh với ca khúc phổ thông. Một thể loại thường chỉ cần giai điệu lặp đi lặp lại, dễ thuộc dễ nhớ, hình thức cân phương vuông vắn… Đây là một điều khá nghịch lý. Nếu như trong giai đoạn trước đây, có rất nhiều nhạc sỹ Hà Nội – Huế – TP Hồ Chí Minh và các Tỉnh thành bạn đã thành danh khi sáng tác ca khúc quê hương thì giai đoạn hiện nay, nhạc sỹ trẻ khó “nổi tiếng” hơn với thể loại này.
Ca khúc quê hương là thể loại trong giai đoạn hiện nay ca sĩ ít chọn lựa để ra Album, Thỉnh thoãng mới có một số ca sĩ đã thành danh đưaca khúc quê hương vào đĩa nhạc của mình. Lại càng hiếm thí sinh chọn lựa thể loại ca khúc này trong những cuộc thi hát có uy tín là Sao Mai, Tiếng Hát Truyền Hình…như giai đoạn trước đây. Càng không thấy ca khúc quê hương xuất hiện ở cuộc thi Vietnam Idol. The voice (Giọng hát Việt)… Có chăng chỉ thấy ca khúc quê hương xuất hiện ở những cuộc Liên hoan ca múa nhạc các đoàn chuyên nghiệp Toàn quốc.Liên hoan âm nhạc các Tỉnh thành thuộc Hội nhạc sỹ Việt Nam. Hoặc Ca khúc quê hương chỉ thấy xuất hiện ở những cuộc thi mang tính địa phương như Tiếng Hát Dòng Hương tại Thành phố Huế…
Khác với giai đoạn trước đây, các nhạc sỹ sáng tác ca khúc quê hương phải chú trọng đến lời ca và nhất là phần giai điệu. Lời ca có nội dung phù hợp là điều bắt buộc, nhưng phải gieo vần, trau chuốt, giai điệu phải lạ, phải hay. Tiết tấu khoan thai, nhẹ nhàng… Có lẽ tiêu chí này hình thành từ những nhạc sỹ Việt Nam ở thời kỳ đầu tiếp xúc với âm nhạc phương Tây mà cụ thể là hai trường phái âm nhạc Cổ điển và trường phái âm nhạc Lãng mạn nên “gu” thẩm mỹ, cách quan niệm cái hay, cái đẹp của họ cũng ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của hai trường phái âm nhạc này. Đó cũng là một thuận lợi của các nhạc sỹ giai đoạn trước đây (đa số những sáng tác của họ đều có lời ca đẹp, giai điệu hay…) Vì vậy, công chúng khi nghe dễ cảm xúc dẫn đến yêu thích tác phẩm của các nhạc sỹ giai đoạn trước đây.
Ngược lại, ca khúc giai đoạn hiện nay đã phát sinh ra nhiều thể loại, phong cách…Dù vậy, các phong cách cũ vẫn nhận được sự ủng hộ của phần đông người nghe nên họ chưa chấp nhận cái mới, cái hay mang hơi thở thời đại một cách nhanh chóng, dễ dàng. Mặc khác, các nhạc sỹ trẻ trong giai đoạn hiện nay lại phải tiếp xúc với nhiều trường phái, phong cách âm nhạc khác nhau. Điều này tạo ra sự thay đổi quan niệm về thẩm mỹ trong âm nhạc. Thay đổi tư duy sáng tạo. Thay đổi rõ nét nhất là về tiết tấu, khúc thức, hòa âm…Để phù hợp với hơi thở thời đại. Đã có một số nhạc sỹ trẻ mạnh dạn phá cách mang tính thử nghiệm khi không đặt nặng giai điệu hay, lời ca đẹp lên hàng đầu. Mà lại sữ dụng tiết tấu đa dạng (nhiều khi gần với ngôn ngữ khí nhạc hơn là ngôn ngữ thanh nhạc) Khúc thức âm nhạc không chia câu, đoạn rõ ràng (các câu có độ dài, ngắn khác nhau. Đoạn 1 ngắn nhưng đoạn 2 lại dài hoặc ngược lại…) Hòa âm phong phú kết hợp lời ca đơn giản, nói thẳng giống như xu hướng âm nhạc thế giới hiên nay. Có lẽ, đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho công chúng và chúng ta “thấy” các ca khúc sáng tác về Hà Nội – Huế – TP Hồ Chí Minh và các Tỉnh Thành bạn của các nhạc sỹ trẻ trong giai đoạn hiện nay là có mới thì chưa hay, còn có hay thì chưa mới?
Vẫn không thể phủ nhận những cố gắng của rất nhiều nhạc sỹ trẻ vẫn đang ngày đêm âm thầm miệt mài tìm cho mình bằng cách nào để“Làm mới, làm hay” những sáng tác về ca khúc quê hương. Nhưng những điều đã làm được và chưa làm được cũng rất đáng đưa ra trong Hội thảo này nhằm mong những góp ý chân tình và giá trị cho thế hệ nhạc sỹ trẻ chúng tôi trong giai đoạn hiện nay.
Huế, ngày 26 tháng 03 năm 2013
Trầm Tích