“Bốn mùa” của Vivaldi sẽ vang lên lộng lẫy
Hai tác phẩm thuộc hai thời kỳ âm nhạc rất khác nhau sẽ được trình diễn qua ngón đàn của soloist Stéphane Trần Ngọc trong chương trình diễn ra vào ngày 19/7, như một sự phô diễn ngoạn mục khả năng thích ứng và diễn tấu của violinist kỳ cựu, cùng dàn nhạc HBSO với chỉ huy của nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch.
Bộ tác phẩm concerto “Bốn mùa” của A. Vivaldi đã được trình diễn và quen thuộc hơn với công chúng yêu nhạc cổ điển ở nhiều chương trình thuộc các tính chất, quy mô khác nhau, qua tay những nghệ sĩ tài danh bậc nhất cả trong lẫn ngoài nước như Bùi Công Duy, Sarah Chang.
Sáng tác từ năm 1723 và từ đó luôn được xem là một trong những tổ khúc táo bạo nhất thời Baroque, “Bốn mùa” của “Thầy tu đỏ” vừa trọn vẹn ở từng tác phẩm, nhưng cũng hoàn chỉnh như một thể thống nhất khi diễn tấu liền mạch với nhau, như bốn mùa của đất trời.
”Mùa xuân” rộn ràng, thanh tao và trong trẻo với những tiếng thì thầm của thiên nhiên, vạn vật. ”Mùa hạ” với những khúc hát bình yên trong nắng, là những cơn lốc bất chợt, đầy uy lực, sức mạnh vô tận của tạo hóa. ”Mùa thu” với những vũ khúc hân hoan, cảm xúc dâng trào nhưng ẩn chứa nhiều âm điệu da diết, bi thương. ”Mùa đông” tĩnh lặng với những ngọn gió lẩn khuất, ca hát về hành trình bất tận, cũng có lúc bùng lên dữ dội.
Ở phần hai của chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức “Distant Light” (Ánh sáng từ xa thẳm) là một sự hoài niệm có pha chút bi kịch, khắc họa những ký ức thời thơ ấu, nhưng cũng tựa như những vì sao lấp lánh trên bầu trời chỉ là ánh sáng phát ra từ hàng triệu năm ánh sáng trước kia.
Theo lời tác giả Pēteris Vasks: “Con người ngày nay không còn niềm tin, tình yêu hay lý tưởng nữa. Chiều không gian tinh thần đã mất đi. Ý định của tôi là mang thức ăn cho tinh thần và đó là cách mà tôi truyền tải trong tác phẩm của mình”.
Cây vĩ cầm quý giá
Nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc sinh tại Paris (Pháp), tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành violin & nhạc thính phòng tại Nhạc viện Quốc gia hàng đầu của Pháp tại Paris khi mới 15 tuổi. Anh đã từng biểu diễn ở hơn 30 quốc gia. Và những bản thu âm của anh được phát hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện quốc gia Paris, anh đến Mỹ theo Học bổng Fulbright, theo học Nhạc viện trực thuộc Đại học Brooklyn dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ Itzhak Perlman và Masao Kawasaki. Anh tốt nghiệp cao học và sau đó theo học Tiến sĩ âm nhạc tại trường Juilliard dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Dorothy Delay.
Nghệ sĩ Trần Ngọc còn là một nhà sư phạm danh tiếng, là một trong những giảng viên môn violin trẻ nhất và có trình độ cao nhất tại Pháp của Nhạc viện Quốc gia Pháp tại Lyon trong nhiều năm, trước khi chuyển sang giảng dạy tại Nhạc viện thuộc Đại học Lawrence và được bổ nhiệm làm trưởng khoa dây của Nhạc viện London.
“Stéphane Trần Ngọc biểu diễn rất thanh thoát. Anh là một nghệ sĩ thực thụ, những nốt nhạc của anh ấy tinh tế vô cùng, kết quả đương nhiên là tuyệt hảo” – Các nhà phê bình âm nhạc nhận định.
Công dân toàn cầu
Nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc từng đoạt giải ở các cuộc thi mang tên Lipizer , Paganini, tại Liên hoan âm nhạc Aspen, và Cuộc thi quốc tế Long-Thibaud năm 1990 (nơi anh đạt giải Grand Prix và giải thưởng của Khán giả bình chọn). Stéphane Trần Ngọc đã biểu diễn tại các khán phòng hòa nhạc như Carnegie Weill Hall, Paris’ Salle Gaveau, Salle Pleyel, Nhà hát Champs-Elysées, cũng như Nhà hát Suntori ở Tokyo, Nhà hát Quốc gia Bắc Kinh.
Anh từng biểu diễn độc tấu cùng những dàn nhạc nổi tiếng nhất Châu u như Dàn nhạc Radio-France Philharmonic, Dàn nhạc Philharmonic Monte-Carlo, Dàn nhạc Thính phòng Paris, Dàn nhạc Quốc gia Ile-de-France và Dàn nhạc Giao hưởng Shinsei tại Nhật Bản.
Những bản thu âm của anh được phát hành trên thế giới bao gồm Serge Nigg Violin và Piano sonata (Giải thưởng Grand Prix năm 1996), Ysaye sonatas, một đĩa CD được dành tặng cho Ravel, Trio cho Horn của Brahms, những bản Sonata của Schumann cùng nghệ sĩ piano người Mỹ Brian Ganz, được nhiều người yêu thích.
Hoà Bình
( Lấy tin từ báo Dân Trí)