Khoa học công nghệ & Hợp tác quốc tế

Chuyến điền dã về ca trù làng Đông Dương ở tỉnh Quảng Bình 24/09/2018

     Nhóm điền dã Học viện Âm nhạc Huế chúng tôi đến làng Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch trong chuyến điền dã sưu tầm Ca Trù ở tỉnh Quảng Bình. Đó là những ngày nắng nóng như thiêu như đốt giữa mùa hè tháng 8/2018. Đông Dương là một làng thuần nông. Đón chúng tôi từ đầu làng là những bàu sen đang mùa nở hoa, những cánh đồng lúa xanh mướt trải dài đến những dãy núi mờ xa tận chân trời. Chiếc ô tô lần dò trên con đường làng gập ghềnh như phi ngựa đưa chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên là nhà của Nghệ nhân Dân gian Hồ Xuân Thể – linh hồn của Câu lạc bộ Ca Trù làng Đông Dương.

     Do đã liên hệ từ trước, ông Lê Tấn Đạt – Chủ nhiệm câu lạc bộ cùng một số thành viên chủ chốt đã tập trung đến đây để đón chúng tôi. Đó là nghệ nhân Hồ Xuân Thể (đàn đáy), nghệ nhân Phạm Văn Đoàn (trống chầu), các nghệ nhân Dương Thị Điểm, Ngô Thị Tâm, Phạm Thị Dậu (đào hát). Dưới bóng cây râm mát trong vườn nhà, cùng thưởng thức cốc nước lá đậm đà hương vị làng quê, chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau và bàn kế hoạch công việc. Ngay sau đó, chúng tôi chia nhau mỗi người mỗi việc như đã phân công trước: Người thì đến Ủy ban nhân dân xã Quảng Phương để liên hệ công tác, người thì được dân làng đưa đến đình làng để khảo sát bối cảnh quay phim. Riêng tôi thì tiến hành phỏng vấn các nghệ nhân chủ chốt: Kép đàn Hồ Xuân Thể và ông Phạm Văn Đoàn (trống chầu). Qua đó, tôi biết được các thông tin liên quan đến truyền thống Ca Trù của làng Đông Dương.

     Theo lời kép đàn Hồ Xuân Thể, Ca Trù ở làng Đông Dương xuất hiện từ thế kỷ XVIII. Kép Thể còn cho biết thêm rằng tên gọi Ca Trù chỉ mới xuấy hiện gần đây ở Quảng Bình, sau khi Ca Trù Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2009, còn trước đó, nó được người dân địa phương gọi là Hát nhà trò. Thông tin này cho chúng ta nhìn thấy được sự tác động của yếu tố bên ngoài đến sự tồn tại của một di sản phi vật thể – cụ thể ở đây là làm thay đổi tên gọi của di sản. Hát nhà trò của Quảng Bình đã khoác lên mình tên gọi chung của nghệ thuật Ca Trù và tên gọi này đã trở nên phổ biến hơn tên gọi vốn có của nó. Ngay cả tên của câu lạc bộ tại địa phương này cũng dùng tên gọi mới: Câu lạc bộ Ca Trù Đông Dương. Không chừng trong 100 năm nữa, tên gọi Hát nhà trò sẽ không còn được dùng đến trong dân gian Quảng Bình, thay vào đó là tên gọi mới dùng chung trên toàn quốc và cả thế giới. Vì sự phổ biến của tên gọi mới, tôi xin được dùng danh xưng Ca Trù để chỉ Hát nhà trò ở Quảng Bình trong bài viết này.

     Tôi rất quan tâm đến tính chân xác (authenticity) của di sản nên hỏi các nghệ nhân khá kỹ về sự trao truyền của nghệ thuật Ca Trù làng Đông Dương. Nghệ nhân Hồ Xuân Thể cho biết gia đình ông đã có truyền thống 5 đời gắn bó với Ca Trù. Đó là sự nối tiếp của 5 thế hệ và kép Thể là đời thứ tư. Để chứng mình cho truyền thống gia đình của mình, ông Thể cho chúng tôi xem cây đàn đáy có tuổi thọ hơn 100 năm do ông cố (cụ tổ) truyền lại và đến nay vẫn còn được sử dụng. Ông Thể còn cho biết thêm trong thời gian chiến tranh, có những năm lễ hội ở đình làng không được tổ chức, song khi ẩn nấp trong hầm trú bom, bà con vẫn hát Ca Trù. Nghệ nhân Phạm Thị Thứu (mất năm 2007) – đào hát cuối cùng của thế kỷ XX ở làng Đông Dương vẫn còn kịp trao truyền các bài hát Ca Trù cho thế hệ nghệ nhân tiếp theo trước khi bà nhắm mắt lìa đời ở lứa tuổi trên 80. Trước đó, vào năm 1999, câu lạc bộ Ca Trù làng Đông Dương đã được thành lập và kép đàn Hồ Xuân Thể là người tâm huyết muốn bảo tồn nghệ thuật Ca Trù. Ông đã vận động, thuyết phục những người có khả năng tham gia câu lạc bộ để đào Thứu và chính ông có điều kiện truyền dạy cho thế hệ sau. Nhờ thế mà Ca trù ở làng Đông Dương được lưu truyền cho đến ngày nay. Những thông tin trên cho thấy truyền thống Ca Trù làng Đông Dương không bị đứt đoạn. Quả thật, khi nghe phần trình diễn của các nghệ nhân, với đôi tai của một người “có nghề”, tôi nhận diện được tính bản địa của di sản mà không bị pha tạp bởi yếu tố mới từ bên ngoài truyền thống địa phương.

    Việc làm phim tư liệu của chúng tôi diễn ra ở đình làng. Cũng như  các đình làng người Việt khác, đây là nơi diễn ra các cuộc lễ “xuân thu nhị kỳ” để thờ cúng Thành hoàng, các bậc tiền nhân có công với làng, thể hiện ước nguyện của dân làng về một cuộc sống bình yên, no ấm. Hàng năm, trong cuộc lễ tổ chức vào ngày Rằm tháng giêng, các làn điệu Ca Trù được  các nghệ nhân trong làng sử dụng để dâng cúng thần linh. Vì vậy, đình làng  Đông Dương chính là nơi thích hợp nhất để làm bối cảnh cho việc làm phim tư liệu về Ca Trù Đông Dương.

     Ngôi đình làng Đông Dương tọa lạc ở một ví trí cao ráo, khang trang, ngoảnh mặt ra con sông chảy xuyên qua làng. Trong những ngày nắng nóng này, vị thế cao ráo của ngôi đình khiến chúng tôi đón được những luồng gió mát từ ngoài sông, xua tan bầu không khí oi bức, nhất là khi được náu mình dưới những bóng cây râm mát. Theo “Lý lịch di tích lịch sử đình Đồng Dương” của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Bình, ngôi đình được xây dựng vào năm 1877, bị chuyển đổi mục đích sử dụng trong thời chiến tranh và hậu chiến, nay lại trở về với chức năng nguyên thủy là thờ cúng Thành hoàng. Trên bức hoành phi được treo trang trọng ngay giữa đình có 4 chữ Hán  “Vạn cổ anh linh” ca ngợi các vị tiền nhân được thờ trong đình.

     Những ngày điền dã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với các nghệ nhân là một cơ hội quý để chúng tôi được thâm nhập vào cuộc sống thực tế của họ và học hỏi về nghệ thuật Ca Trù của làng Đông Dương. Từ mối quan tâm  chung là âm nhạc Ca Trù, chúng tôi có dịp để hiểu và quyến luyến nhau hơn. Chúng tôi tìm được tiếng nói chung là tình yêu và sự tận tâm với công việc. Buổi tối hôm ấy, sau những ngày làm phim và thu âm tư liệu, đoàn chúng tôi cùng các thành viên câu lạc bộ tụ tập “chén tạc chén thù” ở nhà đào Sửu. Dù không uống được rượu nhưng tôi vẫn vui vẻ chạm cốc và nhấp môi cốc rượu gạo để cảm ơn tấm thịnh tình của dân làng, sau đó được thưởng thức các món ăn đặc sản đậm đà hương vị quê hương. Tôi xin ở trọ nhà đào Điểm, để nhờ cô dạy cho vài làn điệu Ca Trù. Nhà vốn neo người nên sự hiện diện của tôi không làm phiền cho gia đình là bao. Rau ráng trong vườn, trứng gà nhà đẻ, bữa cơm thanh đạm nhưng ấm áp tình người đã thắt chặt mối liên hệ tình cảm giữa chúng tôi. Đêm ấy, chúng tôi tâm sự với nhau thật lâu trước khi chìm vào giấc ngủ say sưa sau một ngày làm việc vất vả.

     Ngày hôm sau, tôi được học hát với đào Điểm cùng với sự giảng giải trên cây đàn đáy của kép Thể. Việc học hát không thể được thực hiện trong ngày một ngày hai, nhưng qua những sự chỉ dạy của hai vị nghệ nhân gạo cội này, tôi cố gắng nắm bắt được các nguyên tắc trong âm nhạc Ca Trù của làng Đông Dương. Tôi học cách đánh phách của đào nương để suy ra cấu trúc âm nhạc của các bài bản; học cách vào bài, cách ngưng nghỉ giữa các đoạn để biết được sự phối hợp giữa trống chầu, phách và hát; vừa học hát vừa nghe đàn để biết được nguyên tắc hòa tấu giữa hát và đàn… Trong các đào hát ở làng Đông Dương, chỉ có cô Điểm có kỹ thuật “nảy hạt” đặc trưng của nghệ thuật hát Ca Trù. Cô giải thích cho tôi cách lấy hơi, cách ém hơi, cách nhả chữ làm sao để hát được những câu dài và thực hiện kỹ thuật “nảy hạt”. Dù không thể thực hiện ngay được, nhưng tôi cũng đã biết được các nguyên tắc chung trong cách hát Ca Trù. Cứ thế, những giờ phút trôi qua cùng các kép đàn, đào hát ở làng Đông Dương đã đem đến cho tôi những kiến thức quý báu mà tôi không thể nào tìm thấy trong sách vở.

     Chúng tôi rời làng Đông Dương trong sự bùi ngùi vương vấn tình cảm từ cả hai phía. Đào Điểm tiễn chúng tôi đến tận cửa xe, ông kép Thể dù đã ở tuổi 77 và đang bị đau khớp chân vẫn thoăn thoắt trèo lên cây nhãn trước sân hái cho chúng tôi mấy nhánh ăn dọc đường, mặc cho tôi lo sợ van vỉ ông đừng trèo cây kẻo ngã. Những cái nắm tay, những cái ôm ghì níu giữ tình cảm chân tình của chúng tôi khi hẹn ngày tái ngộ. Tôi sẽ trở lại, nhất định tôi sẽ trở lại trong một ngày không xa …

Kép Thể và đào Điểm trình diễn tại đình Đông Dương

Nghệ nhân dân gian Hồ Xuân Thể và cây đàn đáy trên 100 tuổi

Nhóm điền dã chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân Ca Trù Đông Dương

Tin bài và ảnh: Phan Thuận Thảo

 

 

 

 

 

Đăng ký trực tuyến