Tóm tắt: Bảo tàng Nhạc cụ (Musical Instrument Museum – viết tắt là MIM) tọa lạc tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, Mỹ là bảo tàng nhạc cụ toàn cầu lớn nhất trên thế giới, thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan mỗi năm. Sở hữu bộ sưu tập 15.000 nhạc cụ đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, 5 phòng trưng bày với 4.200 hiện vật thể hiện khả năng sáng tạo phong phú của các tộc người trên thế giới. Bài viết lần lượt giới thiệu các phòng trưng bày nhạc cụ đại diện cho các châu lục, các phòng trưng bày chuyên đề cùng các sự kiện, các buổi hòa nhạc mà bảo tàng thường xuyên tổ chức, qua đó có thể thấy được lý do tại sao bảo tàng có sức hút lớn đối với cả du khách lẫn người dân địa phương.
WHAT’S IN THE LARGEST GLOBAL MUSICAL INSTRUMENT MUSEUM
Abstract:
Located in Phoenix, Arizona, USA, Musical Instrument Museum (MIM) is the largest global musical instrument museum in the world. It houses a collection of 15,000 instruments from 200 countries and territories, with five galleries featuring 4,200 exhibits that demonstrate strong ability of creativeness of peoples around the world. This article introduces the instrument galleries representing various continents, themed galleries, and the events and concerts regularly organised by the museum, thereby illustrating why the museum attracts both tourists and locals alike.
Từ khóa: Musical Instrument Museum in Phoenix, Bảo tàng nhạc cụ.
Được mời tham dự sự kiện “Trải nghiệm Đông Nam Á” (Experience Southeast Asia) ở Bảo tàng Nhạc cụ (Musical Instrument Museum – viết tắt là MIM) tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, Mỹ trong những ngày đầu tháng 6 năm 2024, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những gì diễn ra tại bảo tàng nhạc cụ lớn nhất thế giới này. Đây là một bảo tàng tư nhân được thành lập vào năm 2010 với mục đích tạo ra một bảo tàng nhạc cụ toàn cầu – khác với các bảo tàng khác chỉ chú trọng đến nhạc cụ của một quốc gia, một nền văn hóa hay một tộc người. Bảo tàng không ngừng phát triển lớn mạnh dù tuổi đời còn rất trẻ, và đến nay, MIM đã trở thành bảo tàng nhạc cụ lớn nhất thế giới với khoảng 15.000 hiện vật từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ[1]. Thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan mỗi năm, MIM là niềm tự hào của thành phố Phoenix và người dân địa phương, là điểm đến không thể thiếu của du khách đến với vùng sa mạc khô cằn của Arizona.
Để thu hút khách tham quan, trong chiến lược phát triển của mình, Bảo tàng MIM chú trọng đáp ứng các nhu cầu của du khách. Bên cạnh hệ thống hiện vật trưng bày cực kỳ phong phú, MIM còn tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện khiến du khách được thỏa sức khám phá, vui chơi, được truyền cảm hứng và cảm thấy thú vị sau những giờ phút làm việc mệt mỏi. Đó là lý do số lượng người quay lại viếng thăm bảo tàng nhiều lần là không hề nhỏ.
Phần quan trọng của bảo tàng là hệ thống hiện vật trưng bày phong phú với 4.200 nhạc cụ từ khắp nơi trên thế giới, được tổ chức, bố trí một cách hợp lý khiến khách tham quan dễ tiếp cận và cảm thấy thú vị. Sau khi mua vé (20 usd/người), khách được phát headphones có gắn bộ phận cảm ứng để khi đến gần với hiện vật nào thì từ headphones phát ra âm thanh của nhạc cụ đó đồng thời với các hình ảnh được chiếu trên màn hình. Mỗi gian trưng bày, mỗi hiện vật đều có gắn bảng giới thiệu ngắn gọn cung cấp các thông tin sơ lược. Đặc biệt, các hiện vật không được lồng trong tủ kính để không tạo nên khoảng cách nào với người xem, khiến người ta dễ dàng chụp ảnh mà không bị lóa sáng. Như thế, khách tham quan được nhìn tận mắt các nhạc cụ, biết thông tin sơ lược về chúng và nghe được, thấy được các nhạc cụ ấy diễn tấu như thế nào, trong khung cảnh, môi trường như thế nào. Cách trưng bày ấy gây sự thích thú cho người xem, từ người già đến trẻ em, từ các nhà chuyên môn đến những du khách thông thường.
Từng viếng thăm bảo tàng, phòng trưng bày nhạc cụ của một tộc người hay một quốc gia, giờ đây, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước bộ sưu tập khổng lồ của MIM. Làm sao để tái hiện một cách sống động âm nhạc của toàn thế giới trong không gian bảo tàng có giới hạn là không dễ. Trước hết, MIM chia các hiện vật trưng bày của mình theo địa hình các châu lục, gồm 5 phòng lớn: Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ Latin, Bắc Mỹ. Bên trong mỗi phòng được chia thành nhiều gian, mỗi gian dành cho các nhạc cụ đặc trưng của một nước. Tùy theo số lượng nhạc cụ sưu tầm được, tùy theo sự phong phú về nhạc cụ của các quốc gia mà các gian trưng bày được bố trí không gian to nhỏ khác nhau. Chẳng hạn ở phòng Châu Á, phần dành cho Trung Quốc có không gian lớn nhất, được chia ra thành các gian Lịch sử (Historical) bao gồm các nhạc cụ cổ xưa, trong đó có Biên khánh có từ thời Chiến quốc (476 – 221 TCN); Hý khúc (Opera); Miền Bắc (North); Miền Nam (South); Tây Bắc (Southwest); Tây Tạng (Tibet); Nhạc cụ ti trúc (Sizhu). Nhạc cụ Nhật Bản cũng chiếm không gian khá lớn, bao gồm các gian Dân gian và bản địa (Folk and Indigenous), Sân khấu (Theater), Cung đình (Gagaku), Nghi lễ (Ritual), Nhạc thính phòng (Sankyoku), Sáo Shakuhachi. Gian của Indonesia cũng chiếm diện tích khá lớn, bởi chỉ riêng dàn Gamelan đã khá đồ sộ. Gian của Singapore, Brunei, Timor- Leste thì rất nhỏ. Với Việt Nam thì có một gian riêng dành cho bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn, trong đó có trống đồng, do một Việt kiều ở Mỹ cho mượn để trưng bày. Gian nhạc cụ Việt Nam có các nhạc cụ đặc trưng như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, t’rưng, k’ní, đàn môi… Các nhạc cụ còn mới nên không có giá trị lịch sử, phần video minh họa chưa nêu được giá trị nghệ thuật, văn hóa của các nhạc cụ. Nhìn chung, gian trưng bày nhạc cụ Việt Nam khá mờ nhạt so với các gian trưng bày của các nước châu Á khác, rất cần được nâng cấp. Điều đáng mừng là MIM luôn chú trọng sưu tầm thêm nhạc cụ để nâng cao giá trị bộ sưu tập của mình. Bảo tàng mạnh tay đầu tư kinh phí, tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà chuyên môn không ngừng nỗ lực nghiên cứu và thường xuyên tỏa đi khắp nơi trên thế giới để sưu tầm thêm nhạc cụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan. Chính vì thế, Bảo tàng vừa cử chuyên gia sang Việt Nam hợp tác với chúng tôi để sưu tầm thêm nhạc cụ và quay các video clips minh họa trên màn hình. Chắc chắn rằng với sự hợp tác này, gian trưng bày của Việt Nam sẽ trở nên thu hút hơn.
Tác giả với gian trưng bày nhạc cụ Việt Nam tại MIM, tháng 6/2024.
Lần lượt tham quan phòng Châu Á tiếp sang phòng Trung Đông – Châu Phi, có thể thấy những nét đặc trưng riêng về nhạc cụ của mỗi nước, song cũng thấy được mối liên hệ của nhiều nước trong cùng một khu vực. Nhiều nhạc cụ của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam có hình dáng tương tự nhau như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị… Các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan… có chung một số nhạc cụ như đàn sitar, đàn vina, đàn sarangi, trống table. Các nước Tây Á như Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia thì phổ biến các loại đàn dây gảy kích thước nhỏ như tar, dombra, panduri, chonguri… hay sáo ney, trống daf. Sang đến Trung Đông và Bắc Phi thì nổi bật có đàn ud (dây gảy), santur (dây gõ), rebab (dây kéo). Trung và Nam Phi sử dụng phổ biến các loại nhạc cụ gõ, về nhạc cụ dây có các loại đàn lyre, đàn hạc cổ cong (dây gảy) và các loại đàn dây kéo có hình thù độc đáo, thô sơ với chỉ một hoặc hai dây.
Phòng Châu Âu dĩ nhiên có các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, bên cạnh đó nổi bật có các dạng guitar của Tây Ban Nha, kèn túi ở Bắc Âu, balalaika, domra (dây gảy) của Nga… các loại đàn hạc, mandolin, piano… và rất nhiều nhạc cụ dân gian của các nước châu Âu, từ những dạng thô sơ chỉ có một dây đến các loại nhạc cụ hiện đại. Bộ sưu tập cung cấp cho người xem một cái nhìn vừa tổng quan vừa chi tiết, cho thấy rằng bên cạnh các nhạc cụ giao hưởng mà mọi người thường biết đến, châu Âu còn có một gia tài âm nhạc dân gian truyền thống phong phú.
Phòng Châu Mỹ Latin nổi bật có các loại guitar, là dấu ấn của Tây Ban Nha thời kỳ thuộc địa. Bên cạnh một số nhạc cụ từ châu Âu như guitar, hạc, violon, các loại kèn, trống… còn có rất nhiều nhạc cụ dân gian hình thù kỳ lạ khiến người xem vô cùng ngạc nhiên, thích thú.
Bước vào căn phòng Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada), người xem được giới thiệu trước tiên về mối liên hệ giữa khoa học và âm nhạc bằng các hình ảnh trên màn hình giải thích về các làn sóng âm thanh phát ra từ nhạc cụ đến với tai người nghe. Gian bên cạnh giới thiệu về các thành tựu của hiệu đàn Stainway nổi tiếng. Phòng Bắc Mỹ giới thiệu các nhạc cụ của các thể loại âm nhạc đặc trưng như Jazz, Blues, Rock &Roll, Country. Phần âm nhạc bản địa được phân ra các gian theo các khu vực Tây Nam (Southwest), Đông Bắc và Đông Nam (Northeast and Southeast), nhạc cụ Yaqui (một tộc người bản địa), nhạc cụ Hawaii… Nhìn chung, sự hiện diện của nhạc cụ dân gian của người bản địa ở Bắc Mỹ trong phòng trưng bày này còn mờ nhạt so với âm nhạc hiện đại. Phải chăng nhạc cụ của người bản địa ở Bắc Mỹ không phong phú, hoặc đã bị mất mát theo thời gian, hay chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn?
Trong các phòng trưng bày nhạc cụ theo địa hình châu lục, bênh cạnh trục chủ đề chính là giới thiệu nhạc cụ của từng nước còn có các gian trưng bày theo các chủ đề chuyên biệt, chẳng hạn phòng Châu Á có gian Con đường tơ lụa (Silk road) giới thiệu sự giao lưu về nhạc cụ trên con đường tơ lụa nối châu Á với châu Âu thời xa xưa, gian trưng bày chủ đề Âm nhạc lên đồng (Shaman music) giới thiệu nhạc cụ dùng trong lễ lên đồng của một số nước, bên cạnh đó còn có các gian trưng bày riêng cho các nhạc cụ đặc trưng như Mã đầu cầm, Sanh. Phòng Châu Âu có các gian trưng các bày chủ đề Nhạc cụ dây kéo (Bowed strings), Kèn túi (Bagpipes), Accordion, Harmonica, Dàn nhạc Giao hưởng…
Bên cạnh bộ sưu tập đồ sộ về nhạc cụ của các châu lục trên thế giới, MIM còn dành ra các phòng trưng bày theo các chủ đề hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của người xem khi vừa bước chân vào bảo tàng. Trước hết là phòng trưng bày guitar với mấy chục phiên bản khác nhau của khắp thế giới, từ acoustic đến điện tử. Người xem không khỏi thích thú với những cây đàn guitar hình thù lạ lẫm như lyre guitar (guitar hình dạng đàn lyre, phổ biến trong nhạc thính phòng Paris vào thế kỷ XIX), harp guitar (guitar 2 cần) … Sau khi quan sát mấy chục phiên bản guitar khác nhau, chúng tôi đã nêu ý kiến với nhân viên bảo tàng rằng guitar phím lõm của Việt Nam cần được đưa vào trưng bày trong bộ sưu tập này, bởi đây cũng là một phiên bản thú vị. Họ chấp nhận và đề nghị chúng tôi sưu tầm giúp. Hy vọng trong một tương lai không xa, guitar phím lõm của Việt Nam sẽ góp mặt trong bộ sưu tập guitar của thế giới, để âm nhạc Việt Nam, văn hóa Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
Gian phòng tiếp theo trưng bày các loại nhạc cụ độc đáo, lạ lẫm, gây thích thú cho người xem. Đập vào mắt người xem trước tiên là một nhạc cụ to cao gấp đôi thân người là đàn octobass (một phiên bản lớn hơn của contrabass) có âm thanh cực trầm đến nỗi tai người không nghe được âm thanh thật mà chỉ nghe được bồi âm của nó. Bên cạnh đó là những nhạc cụ bé như bàn tay, tạo nên sự tương phản lớn. Người xem còn bị ấn tượng bởi cây đàn sitar độc đáo của Ấn Độ có 2 lớp dây, lớp dây ngoài để nhạc công kích âm, lớp dây trong dùng để cộng hưởng làm cho âm thanh trở nên dày và đa âm, trên cần đàn có các phím đàn có thể di chuyển dọc theo cần đàn để thay đổi thang âm của nhạc cụ theo thang âm, điệu thức của các bản nhạc. Lại có những chiếc kèn hình thù kỳ lạ, to đến nổi nhạc công phải vừa vác lên vai vừa thổi. Cứ như thế, người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước vẻ đẹp và âm thanh của các nhạc cụ kỳ lạ trên thế giới, phản ánh cá tính của các quốc gia, dân tộc, sự phong phú trong sáng tạo của con người ở các nền văn hóa khác nhau.
Một gian phòng khác lôi kéo sự chú ý của người xem là Artist galley – nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến các nghệ sĩ nổi tiếng. Ở đây, người xem có thể chiêm ngưỡng cây guitar mà ngôi sao Elvis Presley đã từng chơi, chiếc áo quân phục mà anh từng mặc khi đi lính, những bộ trang phục anh từng mặc biểu diễn trên sân khấu… Trong thoáng chốc, kỷ niệm về chàng ca sĩ đẹp trai từng khuấy động sân khấu với dòng nhạc Rock & Roll sôi động và giọng hát trầm ấm ru hồn người trong những bản ballad tình tứ lại ùa về trong lòng người xem, đưa họ trở về với những hoài niệm của những thập niên giữa thế kỷ XX. Gian của Roy Orbinson, người đoạt 6 giải Grammy, bao gồm giải thưởng Cống hiến trọn đời (Lifetime Achievement Award) năm 1998, trưng bày cây guitar mà anh từng chơi, các đĩa nhạc và đặc biệt là giải Grammy mà anh đã nhận cho ca khúc “Oh, pretty woman”. Gian của chàng ca sĩ da màu George Benson cũng trưng bày giải thưởng Grammy cho bài hát “This Masquerade” mà anh đã nhận vào năm 1976. Các tượng đài âm nhạc Mỹ như Carlos Santana, Prince, Roberta Flack… và dĩ nhiên chàng hoàng tử của nhạc đồng quê là John Denver cũng có các gian trưng bày riêng với các nhạc cụ, đĩa nhạc, trang phục, giải thưởng mà họ từng có, gợi lại bao ký ức đẹp cho người hâm mộ. Không chỉ có các nghệ sĩ đã qua đời, ở đây còn có gian trưng bày của ngôi sao Taylor Swift, người vẫn đang làm mưa làm gió trên sân khấu ca nhạc thế giới hiện nay. Với dòng nhạc hàn lâm phương Tây có gian trưng bày của nghệ sĩ cello, nhạc sĩ sáng tác và chỉ huy dàn nhạc người Tây Ban Nha Pablo Casals, người đã làm nên sự nghiệp rực rỡ bằng sự cần cù và tài năng xuất chúng của mình. Trong căn phòng này còn có các tài năng âm nhạc quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn, đó là nghệ sĩ đàn kayagum Yi Jiyoung người Hàn Quốc, nghệ sĩ đàn tỳ bà Wu Man người Trung Quốc, nghệ sĩ Jake Shimabukuro người Nhật, nghệ sĩ nhạc Pop King Sunny Adé người Nigeria, nghệ sĩ đàn sitar Ravi Shankar người Ấn độ. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nghệ sĩ Việt Nam góp mặt trong bộ sưu tập này.
Đến với MIM, người xem không chỉ nhìn và xem một cách thụ động, họ còn được thử chơi một số nhạc cụ trong phòng nhạc cụ trải nghiệm (Experience gallery). Du khách đủ mọi lứa tuổi thích thú đánh thử các nhạc cụ lạ lẫm từ châu Á, châu Phi, châu Âu,… sự vui thích rạng ngời trên gương mặt họ khi nghe thấy âm thanh kỳ lạ và quyến rũ của chúng vang lên. Mọi người dường như trở thành con trẻ, rạng ngời hạnh phúc bên thứ đồ chơi yêu thích của mình. Hứng thú nhất là các du khách ở lứa tuổi nhi đồng vừa gõ trống liên hồi, vừa bi bô hát, lan tỏa niềm hạnh phúc trẻ thơ đến với mọi người và làm cho không gian trở nên sống động.
Phòng trưng bày nhạc cụ điện tử (Mechanical music gallery) đưa du khách đến với những ngày đầu khi các nhạc cụ được cơ khí hóa để trở thành piano điện, organ điện tử, các hộp nhạc tự phát ra âm thanh… Và rồi âm thanh hùng tráng của cả một dàn quân nhạc lớn (chiếm diện tích trọn bức tường của gian phòng), vang lên mà không có nhạc công chơi nhạc. Thì ra, đây là một dạng hộp nhạc phóng to, làm cho du khách không khỏi thích thú.
Một đối tượng du khách thường xuyên đến thăm Bảo tàng là các thành viên trong cùng một gia đình, trong đó, ông bà, cha mẹ đưa con trẻ đến đây để được học hỏi và vui chơi, đặc biệt là vào những dịp lễ, ngày cuối tuần. Sau khi tham quan Bảo tàng, cả gia đình có thể nghỉ ngơi, vui chơi trong một gian phòng riêng có trang bị bàn ghế, đồ chơi, sách, có toilet riêng và các vật dụng cần thiết khác. Các tình nguyện viên của Bảo tàng hướng dẫn trẻ con các bài học âm nhạc thực hành để các em vừa học vừa chơi, vừa nhảy múa theo tiếng nhạc. Cứ như thế, cả gia đình cùng nhau trải qua một ngày nghỉ thú vị trong không gian của Bảo tàng. Muốn ăn trưa thì ra quán cafe ngay phía trước, muốn mua sắm thì có gian hàng bán đồ lưu niệm ngay trong Bảo tàng. MIM là nơi mà du khách có thể ở lại cả ngày mà không biết chán.
Để hấp dẫn du khách quay lại lần 2, lần 3…, các hiện vật ở các phòng trưng bày nêu trên thường được luân phiên thay đổi, đặc biệt ở đây còn có phòng trưng bày chuyên đề được thay đổi trong nửa năm hoặc một năm, Hôm chúng tôi đến, phòng này đang trưng bày chuyên đề Acoustic America, trong đó du khách được chiêm ngưỡng bộ sưu tập 90 cây đàn guitar, mandolin, banjo, ukulele của các thế hệ ngôi sao nhạc đồng quê, nhạc blues của Mỹ, qua đó biết được quá trình phát triển của âm nhạc dân gian nước này. Dù phải trả tiền thêm để được vào gian phòng này, du khách vẫn nườm nượp mua vé vào xem. Họ có thể dành cả tiếng đồng hồ ở đây để chiêm ngưỡng các nhạc cụ và xem trên màn hình các ngôi sao âm nhạc – chủ nhân của các nhạc cụ này chơi nhạc và diễn giải các câu chuyện xoay quanh nhạc cụ và sự nghiệp âm nhạc của họ. Đây là những video clips phóng sự tài liệu do chính MIM thực hiện nên du khách chỉ có thể xem trong Bảo tàng này.
Những hoạt động thu hút du khách mà Bảo tàng thường xuyên thực hiện là các sự kiện văn hóa và các buổi hòa nhạc. Các sự kiện được tổ chức mỗi tháng một lần, và lần này chúng tôi được mời đến sự kiện chuyên đề về âm nhạc Đông Nam Á, ở đó du khách được giới thiệu sâu hơn về âm nhạc và nhạc cụ của khu vực này thông qua các show biểu diễn, thuyết trình, thực nghiệm làm con rối, tour tham quan có thuyết minh của chuyên gia. Cứ như thế, sự kiện tiếp theo được tổ chức vào tháng 7/2024 là Trài nghiệm Hy lạp (Experience Greece), sự kiện vào tháng 8/2024 là Trải nghiệm Mexico (Experience Mexico) …
Các buổi hòa nhạc của các ngôi sao âm nhạc, các nghệ sĩ và nhóm nhạc chuyên nghiệp trong nhà hát 300 chỗ ngồi của Bảo tàng cũng là một hoạt động rất hấp dẫn. Các ngôi sao âm nhạc từng đoạt giải Grammy như George Benson, Bette Midler và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đã từng biểu diễn trong nhà hát này. Nhà hát hoạt động hết công suất với hơn 200 suất diễn mỗi năm, bao gồm nhiều loại nhạc đa dạng từ nhạc cổ điển phương Tây đến nhạc đồng quê, jazz, blue, pop, rock, nhạc dân tộc của các nước trên thế giới, từ hòa tấu thính phòng đến các dòng nhạc hiện đại sôi động, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Các đêm diễn được lên lịch và bán vé trước cả nửa năm (giá vé khoảng 50 usd) để khán giả có thể lựa chọn tham dự show diễn mà mình ưa thích.
Câu slogan “Instruments express more than just the music we hear” (Nhạc cụ biểu thị nhiều hơn âm nhạc mà chúng ta nghe thấy/Nhạc cụ không chỉ thể hiện âm nhạc) được ghi trong phòng triển lãm cho thấy MIM không chỉ chú trọng đến hình dáng, âm thanh các nhạc cụ mà thông qua đó muốn giới thiệu chiều sâu văn hóa, sự đa dạng của các tộc người trên thế giới, khả năng sáng tạo vô cùng của con người, khả năng âm nhạc nối kết các cộng đồng người lại với nhau… Bộ sưu tập và các hoạt động của MIM không chỉ là kiến thức mà còn mang đến nhiều cảm xúc, sự thăng hoa và khiến người xem cảm nhận được sự diệu kỳ mà âm nhạc có thể mang lại cho đời sống chúng ta.
TS. Phan Thuận Thảo
[1] https://mim.org, truy cập ngày 20/6/2024.