Buổi biểu diễn được bắt đầu với phần thuyết trình của các nhà nghiên cứu Nhật Bản nhằm cung cấp cho khán giả những thông tin cơ bản về nguồn gốc, lịch sử và đặc điểm của Gagaku. Ở đây, khán giả được giới thiệu về sự ảnh hưởng của âm nhạc Champa đối với Gagaku khi nhà sư Phật Triết truyền bá âm nhạc Champa đến Nhật Bản cách đây 13 thế kỷ. Sau đó, khán giả được chiêm ngưỡng phần trình diễn đặc sắc của các nghệ nhân đến từ ngôi chùa Đông Đại tự của cố đô Nara – nơi phát xuất của Nhã nhạc Nhật Bản – với các tiết mục độc đáo, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Phần trình diễn khí nhạc của dàn Kangen cùng các bài múa trang trọng, độc đáo, mang đầy tính biểu tượng, gợi lên trong lòng khán giả những cảm xúc hoài cổ về một tinh thần samurai huyền hoặc, bất hủ của đất nước Mặt trời mọc. Một trong tám bài múa được mang từ vương quốc cổ Champa đến Nhật cách đây 13 thế kỷ cũng được trình diễn trong dịp này trên vùng đất mà nó đã từng tồn tại trước khi được đưa đến Nhật. Trong phần giao lưu, khán giả đặt các câu hỏi và được thử nghiệm các nhạc khí đặc trưng của Gagaku.
Buổi trình diễn ngoài mục đích giới thiệu về Nhã nhạc Nhật Bản còn có ý nghĩa là sự “trở về nguồn” của một loại hình âm nhạc khi nó từng có mặt ở vùng đất này của vương quốc cổ Champa. Theo chân nhà sư Phật Triết, nó đã vượt biển sang đất nước Phù Tang xa xôi, được thực hành trên đất Nhật suốt 13 thế kỷ qua để rồi giờ đây được đưa trở về vùng đất đã sản sinh ra nó. Buổi trình diễn giới thiệu một nền nghệ thuật tuyệt vời, biểu hiện ý thức rất cao của người Nhật trong việc giữ gìn vốn cổ.